Hẳn đã từng một lần khi xem phim Mỹ, đặc biệt là những bộ phim liên quan đến hình sự, tòa án, bạn nhìn thấy những bức vẽ miêu tả phiên tòa như thế này.
Và bạn tự hỏi, vì sao người ta phải vẽ những gì diễn ra trong phiên tòa làm gì nhỉ?
Việc vẽ tranh trong các phiên tòa được ra đời từ một sự kiện đặc biệt ở nước Mỹ vào năm 1935, thời điểm diễn ra phiên tòa đình đám xét xử Richard Hauptmann, kẻ đã sát hại dã man con trai 20 tháng tuổi của phi công Charles Lindbergh.
Vụ xét xử Richard Hauptmann thu hút sự chú ý của báo chí và được xem là một trong những “phiên tòa của thế kỷ”. Chính vì sức hút của vụ xét xử với giới báo chí và truyền thông, việc xét xử gặp nhiều rắc rối bởi có quá nhiều máy ảnh và thiết bị chụp hình được đưa vào sử dụng trong quá trình xét xử. Việc chụp hình thời đó thì chắc bạn đã biết, mỗi lần chụp một tấm ảnh đèn flash lại nhấp nháy và rất ồn ào, gây ảnh hưởng đến quá trình xét xử.
Chính vì thế, Hội Luật sư Hoa Kỳ đã thông qua luật cấm việc sử dụng máy chụp hình trong các phiên tòa. Điều này khiến các tờ báo và hãng đưa tin phải tìm một công cụ mới “trực quan” thay thế cho các bức ảnh để đi kèm với phần thông tin. Kể từ đó, việc các nghệ sỹ vẽ hình xuất hiện trong các phiên tòa, đặc biệt là những phiên tòa lớn dư luận quan tâm.
Ca sỹ Michael Jackson trong buổi hầu tòa
Những nghệ sỹ vẽ tranh phác họa phiên tòa (Courtroom sketch artists) chủ yếu được thuê bởi các tờ báo lớn để lưu giữ lại những khoảnh khắc quan trọng trong phiên tòa. Tùy thuộc vào những sự kiện khác nhau mà các nghệ sỹ này được sắp xếp ngồi ở những vị trí khác nhau (ở vị trí khách mời ở xa hoặc vị trí sát với bồi thẩm đoàn). Việc vẽ tranh trong phiên tòa phổ biến cho đến cuối thập niên 70, khi công nghệ chụp hình và quay phim đã trở nên hiện đại hơn. Mặc dù không còn phổ biến như trước, những nghệ sỹ vẽ tranh trong phiên tòa vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Những bức vẽ không chỉ là những công cụ lưu giữ lại những khoảnh khắc lịch sử, mà rất nhiều trong số đó mang giá trị nghệ thuật rất cao.